Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật xuân tóc đỏ
Nếu như nhắc đến văn học viết về đề tài người nông dân, người ta không thể không nhắc đến Nam Cao, Ngô Tất Tố; nhắc đến thơ tình không thể không xướng tên Xuân Diệu; thì bàn về mảng hiện thực phê phán không thể nào lại không nghiêng mình trước tài năng của Vũ Trọng Phụng. Minh chứng đanh thép nhất cho cái tài trong nghệ thuật trào phúng phê phán của ông chính là tiểu thuyết “Số đỏ” với nhân vật Xuân tóc đỏ- một kẻ lưu manh gặp thời, dùng mọi mánh khóe để chen chân vào giới thượng lưu và cũng là nhân tố làm nên sự thành công cho “Số đỏ”.
Xã hội thực dân phong kiến đến thời Vũ Trọng Phụng đã phơi bày đầy đủ bản chất xấu xa, thối nát của nó. Cuộc sống giả dối, bịp bợm với đủ trò cải cách, đó là môi trường thuận lợi cho “ký sinh trùng” Xuân Tóc Đỏ hoạt động. Xuân Tóc Đỏ đã phát triển trọn vẹn tính cách của nó: từ một tên lưu manh, đại bịp đã trở thành một “anh hùng cứu quốc”, một “vĩ nhân”. Để nhìn nhận chi tiết hơn quá trình từ lưu manh đầu đường trở thành “anh hùng cứu quốc” ấy, chúng ta cùng nhau soi chiếu vào cuộc đời của nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong được Vũ Trọng Phụng kể lại một cách đầy nghệ thuật và trào phúng.
Xuân Tóc Đỏ là loại bụi đời trong môi trường thành thị. Vũ Trọng Phụng đã khắc họa tính cách nhân vật này với những nét rất đặc biệt, độc đáo. Thông qua Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng cho thấy cái xã hội lúc bấy giờ là “tấn kịch thực sự của con người giữa những sự giả dối buồn cười”. Đó là một tên cơ hội, tiến được trong xã hội nhờ trò “gian trá bịp bợm”. Xuân Tóc Đỏ thực chất chỉ là một đứa lưu manh, vô học với lí lịch tối đen như mực: hắn là một đứa bé mồ côi, lên 9 tuổi được ông bác họ nuôi. Hắn cả gan nhìn trộm bác gái tắm và bị đuổi, trở thành “thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà; lấy sấu các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm vui. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, chạy rạp hát, và với ba nghề tiểu xảo khác nữa”. Cái tên Xuân Tóc Đỏ của hắn cũng xuất phát từ cái quá khứ không lấy gì làm vẻ vang ấy, vì vẻ bề ngoài của hắn dị hợm, khác người: “ ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây”. Đến Vũ Trọng Phụng cũng phải thốt lên lời nhận xét “cảnh ngộ đó tạo nên nó một đứa hoàn toàn vô giáo dục, nhưng tính nó quái lắm, thạo đời lắm”. Một kẻ vô sỉ như thế, nhưng, trong cái xã hội thực dân tư sản thời Vũ Trọng Phụng với đông đúc những me Tây, nhà giàu hãnh tiến, gái tân mất nết… Xuân Tóc Đỏ gặp số đỏ đến lạ kì. Phải nói rằng, cuộc đời Xuân Tóc Đỏ có nhiều lần trải qua khổ cực, nhiều lần “lên voi xuống chó”, nhưng ngẫm cho cùng, ta vẫn không thể tin được kẻ như hắn lại cứ gặp được hết may mắn này đến may mắn khác.
Khởi đầu chuỗi ngày dài may mắn của đời Xuân Tóc Đỏ bắt nguồn từ cái thói hư khó bỏ của hắn, đó là thói dâm ô. Năm 9 tuổi đã từng bị đuổi ra khỏi nhà vì nhìn trộm bác gái tắm, phải đi ở nơi đầu đường xó chợ kiếm ăn, thế nhưng ngay sau khi len lỏi được vào một sân quần vợt của đám thượng lưu, sống dựa vào nghề đi nhặt bóng thuê, hắn lại tiếp tục ngựa quen đường cũ. Hắn dòm trộm một cô đầm thay váy và bị bắt quả tang. “Người ta nhốt hắn vắo bót lồi xềnh xệch ra sân mà tát, mà sỉ vả”. Những tưởng cuộc đời lẫn vận may của kẻ vô liêm sỉ đến đây kết thúc, nhưng không, số đỏ đã mỉm cười với hắn. Chính nhờ hành động dòm trộm bẩn thỉu ấy, Xuân Tóc Đỏ đã lọt vào mắt xanh của bà Phó Đoan – một me Tây góa chồng dâm đãng. Bà Phó Đoan bỏ tiền nộp phạt cho cảnh sát, bảo lãnh cho Xuân ra tù với mục đích biến hắn thành công cụ thỏa mãn thói dâm ô của bà. Ngày đầu đến nhà bà Phó Đoan, bước chân đầu tiên vào xã hội thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ có chút ngờ nghệch, nhưng Xuân nhanh chóng thích nghi, thậm chí còn biết cách lợi dụng xã hội đó để tiến thân.
Một tên rác rưởi, chật vật với miếng cơm manh áo đột ngột bị ném vào cái xã hội thượng lưu, quá xa lạ với môi trường sống quen thuộc. Lúc đầu, Xuân hoàn toàn bị động, bởi có lẽ, như chúng ta, hắn cũng hết sức bất ngờ trước cái số đỏ của chính mình. Nhưng rất nhanh, với cái vốn tinh quái và thạo đời, Xuân nhanh chóng hiểu ra rằng cái xã hội sang trọng mà hắn lọt vào được cũng như cái xã hội lem luốc của hắn bề ngoài tuy khác nhau nhưng cùng chung một bản chất: dâm ô, đểu cáng, hám danh, bịp bợp. Hiểu ra chân lý ấy, hắn vững tin tìm được vị trí của riêng mình bằng những “ngón đời” sau bao năm lăn lộn nơi đáy cùng xã hội. Và quả thật, hắn đã thành công, thành công ngoài mong đợi!
Từ môi trường vô giáo dục, lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp, Xuân Tóc Đỏ trong một hoàn cảnh đặc biệt, được nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, những con người đang ôm ấp mộng Âu hóa và cải cách xã hội như bà Phó Đoan, ông bà Văn Minh, ông TYPN. Mụ Phó Đoan thèm khát thể xác của Xuân Tóc Đỏ nên đã xin cho hắn ra tù và tạo điều kiện cho hắn gia nhập vào xã hội thượng lưu. Mụ giới thiệu hắn đến tiệm may Âu Hóa của Văn Minh. Hắn dốt nát, đến những chữ trên bảng chữ cái cũng không thuộc hết, trong tiệm Âu Hóa của Văn Minh, hắn chỉ biết học thuộc lòng như hắn đã từng học thuộc lòng những bài rao thuốc lậu trước đây. “Hở cánh tay và hở cổ là dậy thì”, “Hở đến nách và hở nửa vú là ngây thơ”. Hắn cũng nhớ lời của chủ: “Từ đi trở đi, xã hội văn minh hay dã man là trách nhiệm của anh!” Hắn đã rơi vào môi trường của các nhân vật toàn là quái thai của xã hội như mụ Phó Đoan dâm đãng được bằng “Tiết hạnh khả phong”, như ông bà Văn Minh, ông TYPN đang chạy theo phong trào Âu Hóa chơi bời hưởng lạc thời bấy giờ. Được trọng dụng, hắn bắt đầu nhúng tay vào công cuộc cải cách xã hội, lúc này mới thực sự hòa mình vào cái thế giới của những kẻ giàu sang, lắm của nhiều tiền mà thiếu đạo đức, thiếu văn hóa lẫn sự hiểu biết. Trở thành một phần của xã hội thượng lưu, đó là điều mà trước kia ngay cả trong mơ hắn cũng chưa từng dám nghĩ!
Xuân- tên ma cà bông ngày xưa chuyên thổi loa quảng cáo thuốc lậu ngày nào, nhờ thế đã thuộc lòng được mớ kiến thức bập bõm, lộn xộn bỗng trở thành sinh viên trường thuốc, thành “ đốc tờ Xuân” . Hắn ngồi hóng chuyện giữa cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh về bệnh tình của cụ tổ, hắn đem những điều này góp ý vào. Ngay sau đó, hắn thành sinh viên trường thuốc qua sự bịp bợm của Văn Minh đang tìm một thầy thuốc rởm để cụ tổ chết đi. Trước sự “thông thạo” về y học của Xuân, cả bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đều kinh hoàng, không hiểu duyên cớ vì đâu, cụ cố Hồng kính cẩn hỏi Xuân:” Bẩm ngài ngài làm gì mà giỏi về y lí như vậy ạ ?”. Qủa là tài bịp bợm của Xuân đã thành thần, chẳng những khiến tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết mà ngay đến cả người đọc, thậm chí tác giả cũng thốt lên kinh hãi! Kinh hãi ở chỗ số hắn quá đỏ! Hắn bịp quá tài! Tài đến mức ai ai cũng tin, mà có lẽ chính hắn cũng tự mình tin là vậy!
Khi có được cái danh tri thức thượng lưu, được “nâng cấp” lên làm “đốc tờ Xuân”, hắn đã bước lên những bậc thang của danh vọng. Nếu trước đây sự vô sỉ, nịnh hót, dẫm đãng của hắn ở tiệm may Âu Hoa được các bà, các cô tôn lên là hòa hoa, phong nhã, học rộng, biết nhiều; thì giờ đây, sự ngu độn của hắn lại lần nữa được người ta cho là nhũn nhặn, khiêm tốn. Bà Phó Đoan xem nó là người có học thức . Ổng Phán Mọc Sừng cũng cho Xuân là người đứng đắn. Giữa lúc cụ bà, mẹ Văn Minh nguyền rủa Xuân Tóc Đỏ là đồ xỏ lá, đồ ba que, mặt chó chứ không phải mặt người thì cố Hồng phẫn nộ “Con Tuyết mà chửa với thằng Xuân thì thật phúc bảy mươi đời cho nhà này. Bà câm đi. Bà ngu lắm”. Một chi tiết nữa cũng cười ra nước mắt: cụ cố, ông nội của Văn Minh ngã bệnh. Cả gia đình cầu cứu đốc-tờ Xuân. Hắn được dịp trả thù vì cụ cố đã đòi nhổ vào mặt hắn khi hắn quan hệ bất chính với Tuyết. Hắn nói xẵng: “Thưa cụ, quả con vô học, nhặt banh quần, hạ lưu, không biết thuốc ạ!” rồi bỏ chạy. Mà đốc-tờ Xuân bỏ chạy thì các ông lang nổi danh khác bó tay, thế là cụ cố chết. Lúc hắn thành thật nhất thì người đời lại cho là giả dối. Vũ Trọng Phụng sâu sắc đến thâm cay!
Người đời có câu “ếc chết tại miệng”, nhưng với Xuân Tóc Đỏ, hắn giàu, hắn phất cũng nhờ vào cái mồm miệng ấy. Nhờ tài bẻm mép của Xuân mà cửa hàng Âu hóa của vợ chồng Văn Minh phát đạt, nhờ tài chữa bệnh bằng thuốc “Thánh đền Bia” từ nước ao và rau dại mà cụ tổ khỏi bệnh, uy tín của Xuân được nâng cao, được mọi người tâng bốc. Lúc đầu, Xuân chỉ là công cụ của bọn lừa bịp, sau đó, Xuân trở thành kẻ đi lừa đi bịp. Khi người ta tôn sùng một kẻ vô học thì những ngôn ngữ vô học của kẻ vô học như: nước mẹ gì, mẹ kiếp…cũng nghiễm nhiên được bọn họ tôn sùng. Xuân Tóc Đỏ ngày càng lên tầm cao danh vọng, hắn kiêu ngạo, mọi người trở nên sợ hắn và lấy lòng hắn. Hắn được cô Tuyết – con gái cụ cố Hồng mang tiếng là hư hỏng với hắn mê như điếu đổ. Hắn có công gây ra cái chết của cụ tổ – cái chết mà lũ con cháu mong ngày mong đêm khi tố cáo tội ngoại tình của con gái cụ. Thậm chí, Vũ Trọng Phụng còn phải thốt lên rằng: “sự có mặt của Xuân trong lễ lang mà là danh giá và vinh dự cho đại gia đình con cháu bất hiếu này lắm lắm!”
May mắn nối tiếp may mắn cứ ngẫu nhiên mỉm cười với hắn, mở đường cho hắn. Thế là Xuân Tóc Đỏ từ một tên đầu đường xó chợ, nhặt banh quần, bán thuốc lậu đã trở thành sinh viên trường thuốc, đốc-tờ Xuân, giáo sư quần vợt, nhà cải cách xã hội, nhà cải cách Phật giáo, cố vấn cho báo Gõ Mõ rồi đến tột đỉnh vinh quang “anh hùng cứu quốc”, “bậc vĩ nhân”, thật là “Số đỏ”. Nhờ vào cái tài lẻo mép của hắn, hắn được những kẻ thượng lưu dốt nát đánh giá cao đến bất ngờ!
Xuân Tóc Đỏ là một nhân vật được xây dựng trong quá trình phát triển, tính cách của Xuân Tóc Đỏ được miêu tả trong quá trình vận động. Một mặt tính cách Xuân Tóc Đỏ gần như không đổi. Vốn được giáo dục, đào luyện trong nền văn hóa vỉa hè nên bản chất của Xuân vẫn giữ nguyên chất lưu manh của kẻ lang thang đầu đường xó chợ. Từ ngôn ngữ cho đến cử chỉ, hắn luôn luôn văng tục, không chịu học hành mà chỉ dùng thủ thuật bắt chước, che đậy, giả dối để đối phó trong mọi tình huống. Có thể nói, tính cách lưu manh xuyên suốt con người Xuân Tóc Đỏ từ khi là một cậu bé lang thang ở đầu đường xó chợ cho đến lúc trở thành “anh hùng cứu quốc”. Tuy nhiên, tính cách của Xuân cũng có những thay đổi nhất định. Y nhanh chóng thích hợp với hoàn cảnh mới và hoàn cảnh cũng làm cho y thay đổi. Khi còn là kẻ hạ lưu, hắn bộc lộ tính ti tiện, yếu đuối. Nhưng khi đã có vị trí trong xã hội, Xuân bắt đầu xem thường mọi người, “Xuân Tóc Đỏ càng kiêu ngạo làm bộ làm tịch bao nhiêu thì lại được thiên hạ kính trọng bấy nhiêu”, Xuân Tóc Đỏ có lúc như kết hợp giữa tính cách của một kẻ hạ lưu pha lẫn với lối sống thượng lưu, ngôn từ hạ đẳng lại xen với kiểu cách học đòi của bọn người thượng lưu. Ở cuối tác phẩm, tính khinh người của Xuân Tóc Đỏ càng lộ rõ và càng trở nên lố bịch. Hắn đã nói trước quần chúng: “Hỡi quần chúng, mi không hiểu gì, mi oán ta, ta vẫn yêu quý mi mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta. Thôi giải tán đi”. Mọi người hô ”Xuân Tóc Đỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế!”.
Đọc “Số đỏ” ta càng thêm khâm phục bút pháp trào phúng bậc thầy của nhà văn hiện thực phê phán bậc thầy Vũ Trọng Phụng. Ông kể mà mà như vẽ, như bày trải ra trước mắt độc giả bức tranh hiện thực chân thật, sống động, tràn ngập tiếng cười. Nhưng đó là tiếng cuời trào phúng sâu cay, chua chát; cười đấy, mà cười ra nước mắt! Như ông từng nói rằng “các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” Qủa thực, đây chính là sự thực ở đời, ở thời Vũ Trọng Phụng. ”Đây là cái bi của người chết, cái hài của xã hội, cái vô phúc của gia đình giàu sang lắm tiền nhiều của nhưng thiếu tình người”.
”;\